Làng Hội Am thờ vị tướng trấn giữ phía đông bắc biển Đông của Tổ quốc làm Thần Hoàng, cuốn thần phả của làng ghi tên Thần Hoàng Làng là: Ngọc tràng rồng đại địa, Đông hải trấn quốc long lang chi thần, tên húy là Tràng – Rồng. Vị tướng quân trấn giữ phía đong bắc biển Đông của Tổ quốc được phong là đại vương. Đến nay còn giữ được chín sắc phong từ thời vua Cảnh Hưng niên thứ 28 (1767) đến thời vua Khải Định (1924).
Để ca ngợi Thành Hoàng làng và danh nhân Đào Công Chính bảng Nhãn Thần đồng, đình làng Hội Am có câu đối: “Trấn Đông Hải đoạt kình phá lộ, đại vương lừng danh uy vũ"; "Quá Thăng Long nhả ngọc phun châu, bảng nhãn rạng rỡ khôi văn”. Đình làng Hội Am ngoài việc thờ Thành Hoàng làng, còn ghi bia tôn linh các vị đại khoa, trung khoa và thờ ba vị đại khoa: Phạm Đức Khản, Nguyễn Cối, Đào Công Chính đỗ đạt cao, làm quan to trong triều Lê.

Đi sâu nghiên cứu đình làng Hội Am, các nhà nghiên cứu di tích lịch sử đình, chùa đều cho đây là công trình có giá trị cao. Đây là ngôi đình cổ, được xây dựng từ thế kỷ XVII. Vị trí đình ở giữa làng cạnh đường đông làng, theo hướng đông, dựa lưng vào làng nhìn ra hướng biển đông. Trước cửa đình có hồ bán nguyệt, cạnh hồ, dân làng trong hai cây thông to, cao để đến ngày lễ hội kéo hai lá cờ đại lớn bằng bốn cái chiếu trông rất uy nghiêm, lộng lẫy. Đình xây trên một gò đất cao hơn đất cao trong làng. Ngôi đình cổ xây dựng theo kiểu tam cấp: trong cùng là hậu cung, nơi thờ Thành Hoàng của làng chạy thẳng ra hai bên, xây hai nhà chè, bên phải thờ các vị danh nhân (đại khoa), bên trái thờ các hậu thần của làng.
Giữa hai nhà chè để trống lấy ánh sáng ngoài trời, tiếp đó là đình giữa để trang trí, các giá dùi đồng, phủ việt và lễ vật thờ cúng khi có lễ hội. tiếp đó là ngôi đình to xây theo kiểu chéo đao, tầu góc, rồng chầu mặt nguyệt quỳ dưới thuận chồng 5 con, đục chạm long ly quy phượng, các hàng bảy tiền đều đục chạm hoa văn. Nền đình hai gian đầu làm bằng gỗ cao hơn các gian giữa 50cm gọi là sàn cầu nơi dành riêng cho các vị chức tước ngồi khi đình đám, khi hội họp… Hai bên sân đình xây hai giải vũ.
Ngôi đình làng là biểu tượng cho nền văn hiến của làng, nơi tôn vinh các nhân tài của đất nước, phụng sự cho các đời vua và thờ Thành Hoàng vị tướng trấn ải ở phía đông đất nước với tên hiệu “Đông Hải Trấn Quốc Long Lang Chi Thần, tên húy là Tràng Rồng”. Đã được nhiều triều đại nhà vua phong sắc, đến năm 1938 còn giữ được 9 sắc phong.
- Cảnh Hưng 28 (1767)
- Cảnh Hưng 44 (1783)
- Gia Long 9 năm (1810)
- Tự Đức 6 năm (1853)
- Tự Đức 11 năm (1858)
- Tự Đức 33 năm (1884)
- Đồng Khánh 2 năm (1887)
- Duy tần 3 năm (1909)
- Khải Định 9 năm (1924)
Năm 2005 Ủy ban nhân dân xã lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử Đình làng Hội Am là di tích cấp thành phố.