Đất và người Cao Minh
Đất Cao Minh từ xa xưa là vùng đất bồi hoang hóa sình lầy, cha ông khai phá lập nên làng mạc, nhân dân Cao Minh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Xã Cao Minh còn có nghề mây tre đan, nghề ươm cá giống và nghề thêu ren xuất khẩu. Thuốc Lào cũng là đặc sản nổi tiếng có tính truyền thống của địa phương. Làng Hội Am nằm bên bờ sông Hóa có chợ Cõi là trung tâm buôn bán trao đổi nông thổ sản với các thương nhân các tỉnh Bắc Bộ từng nổi tiếng một thời.
Người Cao Minh có truyền thống hiếu học. Từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII Nho học phát triển mạnh, làng nào cũng có thầy đồ, thầy khóa mở trường dạy học. Nổi bật nhất có làng Hội Am, làng Đông Lại có nhiều người đỗ đạt cao trở thành hiền tài của Quốc gia. Từ năm 1442 đến năm 1779 qua 82 bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám cả nước có 1307 người đỗ đạt cao trong các kì thi đại khoa thì xã Cao Minh có 4 nhà khoa bảng có tên trong Văn Miếu, đó là:
- Ông Phạm Đức Khản ( người làng Hội Am) đỗ Tiến sĩ năm 1448.
- Ông Nguyễn Duy Tiếu ( người làng Đông Lại) đỗ Tiến sĩ năm 1475.
- Ông Nguyễn Cối ( người làng Hội Am) đỗ Tiến sĩ năm 1478.
- Ông Đào Công Chính ( người làng Hội Am) đỗ Tiến sĩ năm 1661.
Đặc biệt có ông Đào Công Chính đỗ Đệ Nhất Giáp, đệ Nhị Danh (Bảng Nhãn), Tiến sĩ khoa thi Tân Sửu niên hiệu Vĩnh Thọ 4 đời vua Lê Thần Tông (1661).
Thân thế Đại Danh y Đào Công Chính
Đại Danh y Đào Công Chính thủa nhỏ có tên là Đào Dĩnh Đạt, ông sinh năm 1639, người làng Cõi, tổng Đông Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Năm 1661, ông đậu Bảng Nhãn khoa thi đời Vua Lê Thần Tông khi mới 23 tuổi. Năm 1673, ông được triều đình cử làm Phó sứ đoàn sang Trung Quốc. Năm 1675 trở về nước, ông được phong chức Hình bộ Hữu thị lang, nhập thị kinh diên giảng quan (người giảng sách cho vua) rồi Lại bộ Hữu thị lang, Quang tiến Thận lộc đại phu, Bồi tụng. Ông là chủ biên, là tác giả, đồng tác giả của 5 bộ sách có giá trị lịch sử, giá trị khoa học và giá trị văn hóa đặc sắc; đồng tác giả bộ Quốc sử 23 quyển, được hoàn thành vào năm 1665. Đặc biệt, ông đã biên soạn bộ sách y học “Bảo sinh diên thọ toản yếu” gồm 5 quyển, bàn về phép dưỡng sinh, dưỡng thể. Ông được coi là một trong ba Đại danh y của Việt Nam có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam, tạo thế kiềng ba chân vững chắc cho nền đông y học gồm Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, Dược học đối với Tuệ Tĩnh, Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính
Sự nghiệp Đại Danh y Đào Công Chính
Đào Công Chính là vị quan thanh liêm, ngoài ra ông còn được xem là một nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà sử học, đặc biệt là danh y - nhà dưỡng sinh học nổi tiếng thế kỷ 17.
Là danh sĩ thời Lê Trung Hưng ở thế kỷ 17, sự nghiệp của ông được nhắc đến trong nhiều tài liệu viết về các danh y trong lịch sử y học cổ truyền Việt Nam.
Trong kho tàng y học của nền Đông y Việt Nam, tác phẩm Bảo sinh diên thọ toản yếu do Đào Công Chính biên soạn năm 1676, đã được xuất bản cách đây hơn 300 năm, là một tác phẩm y học có giá trị lớn và hàng đầu về lĩnh vực dưỡng sinh ở Việt Nam.
Tác phẩm Bảo sinh diên thọ toản yếu nêu lên ý nghĩa của dưỡng sinh ca đối với sức khỏe.
Để đánh giá toàn diện về Danh y Đào Công Chính, ngày 06/12/2004 tại Vĩnh Bảo đã diễn ra “Hội thảo về thân thế, sự nghiệp Danh y Đào Công Chính”. Tại hội thảo, Đào Công Chính được nhất trí suy tôn là một trong ba Đại danh y của Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền dân tộc, tạo thế kiềng ba chân vững chắc: “Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác dược học đối với Tuệ Tĩnh, dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính”.
Đào Công Chính nhà sử học, nhà thơ, nhà ngoại giao
Đào Công Chính là tác gia quan trọng của thế kỷ 17, khi còn là thị thư hàn lâm viện, ông là đồng tác giả tham gia biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, biên tập phần kỷ tục biên hoàn thành (1665).
Khi nhập thị kinh diên (giảng sách cho vua) trong vòng 2 năm (1675-1676) cùng lúc ông làm sử quan tổng tài (chủ biên) biên tập 2 quốc sử nổi tiếng là: Trùng san lam sơn thực lục, Trung hưng thực lục và tham gia nhóm biên soạn quốc sử do Phạm Công Trứ đứng đầu.
Ngày 06/12/2004 tại huyện Vĩnh Bảo đã diễn ra cuộc Hội thảo khoa học đánh giá một vùng quê khoa bảng, một danh nhân nổi tiếng “thần đồng” Đào Công Chính giàu tài năng, đức độ, đó là một sự kiện quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào, là niềm mong mỏi chờ đợi của các thế hệ người Cao Minh từ lâu.
Để tôn vinh và biết ơn công lao cụ, ngày 08/10/2011 UBND thành phố Hải Phòng có công văn 5906 về chủ trương xây dựng khu lưu niệm Danh y Đào Công Chính tại xã Cao Minh quê hương cụ.
Sáng ngày 29/7/2023, tại làng Hội Am, xã Cao Minh, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo tổ chức khánh thành công trình Nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính. Tới dự có đồng chí Đào Trọng Đức, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy; đại diện một số sở ban ngành thành phố, lãnh đạo hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội; lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo cùng đông đảo nhân dân địa phương, con cháu họ Đào.
Dưỡng sinh ca Đào Công Chính
Năm 1993, Viện Y học cổ truyền Việt Nam tổ chức sơ khảo, phân loại các sách dưỡng sinh từ trước tới nay, đã đánh giá sách Bảo Sinh diên thọ toản yếu của Đào Công Chính là sách đề cập toàn diện nhất, góp phần quan trọng vào việc phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam, sách được Bộ Y tế và Hội lão khoa Việt Nam công nhận. Hội Đông Y thành phố Hải Phòng tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách “ Sổ tay dưỡng sinh ca Đào Công Chính” gồm 2 quyển (01 quyển lý thuyết và 01 quyển thực hành), nhằm kế thừa và tiếp tục phát huy tác dụng của tác phẩm Bảo sinh diên thọ toản yếu của Đào Công Chính. Động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào dưỡng sinh để mọi người rèn luyện, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.